Đã có hơn 49.000 ca mắc tay chân miệng, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng cần chú ý

 

Theo thống kê mới nhất, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 49.006 trường hợp mắc tay chân miệng; 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng có sự gia tăng.

Không ít ca mắc tay chân miệng bị biến chứng

Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Về bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

Tại TP HCM, theo ngành y tế, mùa dịch 2011 và 2018 là những năm xuất hiện sự lưu hành của chủng virus EV71, mùa dịch kéo dài 5 - 6 tháng và năm nay, TP HCM cũng xuất hiện chủng virus EV71. "Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu được 2 tháng và theo như mùa dịch của những năm xuất hiện chủng virus EV71, chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị những biện pháp phòng dịch tay chân miệng trong khoảng 3 - 4 tháng nữa thì dịch mới có thể xuống được"- bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM chia sẻ. 

Đã có hơn 49.000 ca mắc tay chân miệng, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng cần chú ý - Ảnh 1.

Bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM (Ảnh: Kim Vân).

Tại Bệnh viện Nhi TW, theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên năm nay Khoa Nội Tổng quát tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…

Tại BVĐK Đức Giang (Hà Nội) mới đây vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi là bé P.M.N (sinh năm 2022, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện tay chân miệng không điển hình.

 Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh tay chân miệng, mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng. Bệnh nhân được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng độ 3, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện, không sốt, nhịp tim giảm, huyết áp trong giới hạn bình thường, đỡ suy hô hấp.

Theo BS Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, BVĐK Đức Giang, đây là ca bệnh tay chân miệng có dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone, kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim.

Cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ mắc tay chân miệng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế

Theo ThS Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. 

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

  • Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
  • Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).
  • Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Liên quan đến phòng chống bệnh tay chân miệng, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh; thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng tại các tỉnh/thành phố trọng điểm; cùng đó, các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị bệnh tay chân miệng.

Mới đây nhất 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch điều trị bệnh tay chân miệng, 21.000 ống thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh này.

 
Thái Bình