Vấn nạn thuốc giả đe dọa sức khỏe toàn cầu

VN vẫn là một trong những "thiên đường" của những kẻ buôn bán và SX thuốc giả.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng thuốc giả tiếp tục bùng phát trên phạm vi toàn cầu khi chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu lên tới 75 tỷ USD.

Hiện, tỷ lệ lưu hành thuốc giả trung bình khoảng 30% ở các nước đang phát triển và hậu quả là ngày nào Tổ chức Bác sĩ không biên giới với chi nhánh tại 80 quốc gia đều phải giải quyết các vụ khiếu kiện của các cá nhân và gia đình liên quan đến thuốc giả.

Đặc biệt, thuốc giả đã khiến khoảng 200.000 bệnh nhân bị sốt rét thiệt mạng và hàng triệu người tử vong mỗi năm. Vụ việc, hơn 30 người Pakistan thiệt mạng vào cuối tháng 12/2012 vì uống phải một loại siro trị ho giả đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về hậu quả nghiêm trọng do vấn nạn thuốc giả gây ra. Loại sirô nhái này được bán rộng rãi với giá 40 rupi (0,42 USD) và có thể phá hủy các cơ quan nội tạng của con người do thành phần chứa nhiều độc tố. Tháng 11 năm ngoái, một vụ ngộ độc thuốc sirô ho tương tự cũng đã xảy ra tại thành phố Lahore, làm 21 người thiệt mạng. Trước đó, 120 người đã thiệt mạng và hơn 400 người phải nhập viện vì dùng phải thuốc giả.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm T.Ư, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu; trong đó 11 mẫu thuốc tân dược và 20 mẫu thuốc đông dược, bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Số liệu trên cho thấy tình hình thuốc giả tại nước ta diễn biến rất phức tạp và ngày càng được làm giả một cách tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị của bác sỹ và đặc biệt gây ngộ độc thuốc nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, người sử dụng. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn là một trong những "thiên đường" của những kẻ buôn bán và sản xuất thuốc giả do phần lớn bệnh nhân còn nghèo, thường phải dùng thuốc giá rẻ nên nguy cơ mua thuốc giả là rất cao. 

PhungLan.CHITI

Theo Kinh tế & Đô thị