Nạn móc ngoặc nuôi dưỡng cò mồi

Nếu không có người tiếp tay, “cò” không bao giờ có đất sống”.

Đổ lỗi cho nạn cò mồi tại các bệnh viện, phần lớn người ta hay viện ra những lý do muôn thuở: Quá tải. Tuy nhiên, với những người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, câu chuyện này lại được nhìn nhận dưới góc độ khác. Một cán bộ công an còn nói thẳng: “Dẹp “cò”, chúng tôi làm chỉ trong nửa buổi sáng là xong. Nhưng thử hỏi có dẹp được không nếu bệnh nhân chấp nhận chi tiền nhờ “cò” để được việc. Nếu không có người tiếp tay, “cò” không bao giờ có đất sống”.

Truy quét cũng chỉ giải quyết phần ngọn

Thời gian trước đây, bệnh viện Saint Paul vốn là mảnh đất khá màu mỡ để cho các loại “cò” hoạt động. Trước cổng bệnh viện này luôn thường trực hàng chục quán cóc chuyên bán trà đá vỉa hè. Với hai mặt tiền là phố Chu Văn An và Trần Phú, chính những quán cóc này là nơi đám “cò” vạ vật và tăm tia con mồi. Trung tá Nguyễn Văn Huệ - Phó trưởng Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình kể lại: “Có những lúc, nạn “cò” trở nên nhức nhối tới mức, ngoài việc dắt mối chúng còn cướp giật khi những “thương vụ chăn dắt” bệnh nhân không thành”. Điển hình như ngày 13/10, đối tượng Lê Văn Bình, trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) sau khi giở chiêu “tiếp thị” với bệnh nhân không thành đã xoay ra móc túi. Rất may sau đó, lực lượng công an đã bắt được đối tượng và thu hồi tang vật trả người bị hại.

Để triệt phá những tụ điểm này, Công an phường Điện Biên đã kiên quyết dẹp toàn bộ hàng rong, quán nước lấn chiếm vỉa hè ở tất cả những tuyến phố trọng điểm. Kết quả ban đầu khá mỹ mãn: Bệnh viện Saint Paul sạch bóng quán xá và những đối tượng tụ tập làm dịch vụ ăn theo. Những tuyến phố lân cận cũng nhờ đó mà trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, việc duy trì tình trạng này cũng khá mệt mỏi. Chúng tôi phải thường xuyên cắm chốt từ 6 giờ - 22 giờ hàng ngày, đồng thời phải có 1 tổ tuần tra liên tục và xử lý quyết liệt không để tình trạng “đá ném ao bèo” - Trung tá Huệ cho biết.

Cũng theo Trung tá Huệ, việc trấn áp và truy quét các đối tượng cò mồi phải luôn gắn với giải tỏa hàng quán. Nói một cách hình ảnh, “cò” cũng giống như cỏ dại, chỉ đợi bóng các lực lượng chức năng rút đi là chúng đua nhau mọc. Thậm chí, khi bị xử lý mạnh chúng lại rút ngay vào trong khuôn viên bệnh viện giả làm người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, theo chức năng của mình, bên trong khuôn viên bệnh viện là phạm vi trách nhiệm của lực lượng bảo vệ. Nếu những lực lượng này không kiên quyết đẩy đuổi thì mọi nỗ lực của công an cũng bằng… hòa.

Bệnh viện cần tự làm sạch

Trong cuốn sổ dày cộp chuyên theo dõi và xử lý đối tượng của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn, Phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi đếm được hàng chục cái tên của đám cò mồi chuyên ký sinh tại các bệnh viện. Nhắc đến những đối tượng này, Trung tá, Đội phó Lê Kim Đồng lắc đầu ngán ngẩm: “Chúng tôi bắt và xử lý liên tục. Nhưng theo luật thì không có trường hợp nào phải xử lý hình sự. Và cứ hễ thả ra là lại đâu đóng đấy”. 

Theo Trung tá Đồng, việc để cò mồi tồn tại trước tiên cần nhắc tới trách nhiệm của chính các bệnh viện. Có một thực tế không thể chối cãi là bệnh nhân khi thông qua “cò”, chấp nhận chi một khoản phí bôi trơn thì đều được việc. Họ được chen ngang, được bác sỹ khám nhanh và ân cần hơn hẳn những người đi khám theo cách xếp số thứ tự”. 

Trong suốt quá trình thực tế tại 2 bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện K chúng tôi ghi nhận, tính trung bình, nếu 1 “cò” dắt được 5-10 bệnh nhân/ngày và cứ một bệnh nhân, “cò” ăn được 100.000đ thì một ngày chúng bỏ túi ít nhất 500.000đ - 1.000.000đ. Những món lợi nhuận như vậy dĩ nhiên các nhân viên y tế cũng có phần. Có một bài học mà bất cứ “cò” nào cũng sẽ thuộc nằm lòng khi bị công an sờ gáy, đó là nhất quyết: “Không quen bác sỹ nào”. Nếu bị bắt quả tang thì lập tức chuyển hướng: “Đây là thỏa thuận miệng, thuận mua vừa bán. Bệnh nhân nhờ thì em giúp chứ có ai ép họ đâu?”. Vậy là thoát hiểm. Cùng lắm thì chỉ bị phạt hành chính rồi… cho về.

Thực tế, bản thân các lãnh đạo bệnh viện không phải không biết nạn “cò” đang tồn tại ngay trước cổng - Trung tá Đồng cho biết. Khi chúng tôi họp giao ban với họ, bệnh viện nào cũng than rằng cò mồi rất phức tạp. Nhưng khi chúng tôi hỏi: Các bác sỹ khi khám bệnh cho những bệnh nhân mà “cò” đưa đến có biết không? Cò mồi vào trong bệnh viện, bảo vệ của các anh có biết không? Chắc chắn là biết bởi chúng tụ tập ở đó suốt ngày. Vậy tại sao “cò” ra vào tự do mà bảo vệ làm ngơ thì không ai trả lời được. Chính bảo vệ đã không chịu làm hết trách nhiệm của mình. Họ vẫn còn tâm lý e ngại hoặc không loại trừ việc ít nhiều có quan hệ với chính các đối tượng này. Nếu nhân viên bệnh viện còn dung túng, tiếp tay cho “cò” thì mọi cố gắng của công an cũng trở nên thừa thãi. Gốc của vấn đề nằm ở đó.

Ngoài việc các bệnh viện cần tự làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mình, tới đây chúng tôi sẽ lập hồ sơ các đối tượng cò mồi vi phạm nhiều lần trong một năm để đưa đi cơ sở giáo dục. Có lẽ biện pháp này sẽ là liều thuốc mạnh để trấn áp dứt điểm nạn “cò” bệnh viện - Trung tá Đồng cho biết.

Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội: Nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thì “cò” khó có thể qua mặt lực lượng bảo vệ bệnh viện vào các khoa, phòng khám. Chính vì vậy, để triệt tận gốc “cò” bệnh viện thì vấn đề cốt lõi là ngành y tế cần có biện pháp nâng cao y đức của đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những y bác sỹ cố tình vi phạm, tiếp tay cho “cò”. Lực lượng CSHS - CATP tiếp tục phối hợp với công an các quận, phường tăng cường xử lý, “quét vét” số “cò” hoạt động tại cổng các bệnh viện, ngăn không cho chúng tiếp xúc với bệnh nhân…                                              

PhungLan.CHITI

Theo ANTĐ