Ngành Y tế chung tay cùng cộng đồng “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Vì vậy hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ.

Thảm họa “ô nhiễm trắng”

Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ.Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.

Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”

Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nilông, năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã được Nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia khẳng định là mối quan tâm chung toàn cầu, đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường. Đồng thời, tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.

 

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam cũng tích cực tham gia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị WEF Davos 2019 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế

Ngày 16/8/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế tại 63 điểm cầu thuộc tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu Trung ương (Bộ Y tế).

Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; TS. Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;  Bà Sitara Syed, Quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; Ông  Ki Dong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt nam; NSƯT Chiều Xuân, Đại sứ Phong trào chống chất thải nhựa.

Thông qua Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị Ngành Y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/TP trên cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,... phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa;

2. Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế;

3. Tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải  pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế;

4. Bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra;

5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành Y tế “dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay” góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến điểm cầu của Bộ Y tế đã diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội.

Cùng thời gian với điểm cầu Trung ương, tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành cũng diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Giám đốc Sở Y tế với giám đốc các bệnh viện trực thuộc Ngành.

 Lan tỏa những hành động đẹp vì Môi trường

Trong quá trình khám chữa bệnh cũng như các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế và các hoạt động chuyên môn y tế làm phát sinh rác thải nhựa như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh. Theo thống kê của ngành y tế, trên cả nước, ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, khoảng 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, vì vậy chất thải từ các nguồn trên là rất lớn.

Từ thực tế trên, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi Ngành Y tế hạn chế rác thải nhựa. Cụ thể, các bệnh viện hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Nhiều bệnh viện đã hưởng ứng lời kêu gọi hạn chế rác thải nhựa bằng những hành động tích cực.

Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 7 bệnh viện đã sử dụng túi giấy phát thuốc cho người bệnh thay túi nhựa. ThS. Đặng Anh Long, Phó Bí thư Đảng bộ bộ phận Bệnh viện cho biết, ban đầu, người bệnh rất ngạc nhiên khi nhận túi giấy, nhưng từ khi chương trình diễn ra đều đặn, đồng thời nhân viên y tế tích cực tuyên truyền về ý nghĩa bảo vệ môi trường thì mọi người đều hào hứng, ủng hộ bệnh viện thực hiện thay đổi này.

Tương tự, tại bệnh viện Bình Dân, gần hai tháng nay các nhà thuốc của bệnh viện cũng đã thay thế túi đựng thuốc bằng giấy thay vì túi ni lông như trước đây. Các túi giấy đựng thuốc này được thiết kế với các kích cỡ khác nhau như loại đựng 0,5 kg, 1 kg, 2 kg đến 7 kg… Chị Trần Thị Nhung, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bình Dân, cho biết dùng túi giấy thay cho túi ni lông đựng thuốc được thực hiện tại tất cả 4 quầy thuốc của bệnh viện. Bên cạnh đó, những chai nước nhỏ tiện lợi phục vụ trong các cuộc họp cũng đều được thay bằng các loại bình nước lớn 20 lít dùng ly thủy tinh, ly giấy…

Bên cạnh đó, các bệnh viện còn tuyên truyền cho bệnh nhân và nhân viên y tế, căn tin trong bệnh viện hạn chế rác thải nhựa. Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “nói không với rác thải nhựa”, bệnh viện đã tuyên truyền, hướng dẫn từ nhân viên đến người bệnh không sử dụng các sản phẩm ly nhựa, hộp nhựa sử dụng một lần, thay vào đó là sử dụng ly sành sứ, ca men, bình đựng nước sử dụng nhiều lần

Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động ý nghĩa chung tay bảo vệ môi trường như tổ chức chương trình “Giảm rác thải nhựa – Tăng màu sống xanh năm 2019”. Đây là sân chơi ý nghĩa, bổ ích dành cho nhân viên bệnh viện, cùng chung tay hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức việc tái sử dụng các rác thải nhựa tại chính đơn vị công tác, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mỗi ngày. Điển hình như tại khoa Dược, rác được tiến hành phân loại tại nguồn, phân biệt rác thải giấy tái chế được (vỏ hộp thuốc bằng giấy) và rác thải không tái chế được (bao gói, túi nilon, chai nhựa…) Các loại chai, lọ đựng thuốc bằng nhựa hàng ngày cũng bị thải ra một lượng lớn, do đó khoa Dược có ý tưởng tái chế hộp thuốc thành những vật dụng phục vụ cho công việc như lọ đựng bút, chậu cây, đồng hồ…

Các bệnh viện cho biết, hiện nay việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khiến cho chi phí chi thường xuyên của bệnh viện tăng so với khi dùng túi ni lông. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện Quận Thủ Đức cho hay, hiện những loại vật liệu thân thiện với môi trường có giá cao. Để người dân sử dụng những loại vật liệu thân thiện với môi trường và hạn chế các loại vật dụng nguy hại tới môi trường như túi ni lông, nhựa dùng một lần thì cần phải có chính sách hỗ trợ về giá đối với những đồ dùng thân thiện với môi trường./.