Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, giảm tử vong do sốt xất huyết

    Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn Tây Nguyên phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue

    Trong 2 ngày 8 và 9/8 tại tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và rút kinh nghiệm tử vong do SXHD năm 2016 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên có số mắc SXHD tăng cao là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Gần 200 học viên dự lớp tập huấn gồm các bác sĩ đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế, đại diện Lãnh đạo Bệnh viện, Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp, đại diện các Khoa khám bệnh, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện tư nhân và các bệnh viện của các Bộ, ngành trên địa bàn thuộc 4 tỉnh trên.

    Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê phát biểu khai mạc lớp tập huấn. Trong 7.411 ca mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai có số mắc cao nhất là 3.081 ca (41,6% số mắc của khu vực), Đắc Lắc là 1.865 ca (25,9% số mắc của khu vực), Kon Tum là 1.387 ca (18,7% số mắc của khu vực), Đắc Nông là 1.079 ca (14,6% số mắc của khu vực) và có 4 trường hợp tử vong: 2 trường hợp tại Đắc Hà, Kon Tum, 1 trường hợp ở huyện Ia Grai, Gia Lai, 1 trường hợp ở Tp Buôn Ma Thuật. Phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, các đơn vị y tế trên địa bàn phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong do SXHD, để đạt được kết quả đó việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác giai đoạn, chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác là vô cùng quan trọng; trong cấp cứu, điều trị phải hết sức tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXHD do Bộ Y tế ban hành theo diễn biến của bệnh.
“Việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh về SXHD là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi bệnh viện, tuy nhiên việc xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để chuyển tuyến an toàn cũng không kém phần quan trọng”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói
Cùng với việc tập huấn để nâng cao kiến thức, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ, phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. Không được để thiếu thuốc trong việc điều trị người bệnh…
Các giảng viên của lớp tập huấn là các chuyên gia của bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế, trong quá trình tập huấn, cập nhật kiến thức điều trị SXHD, người lớn, phân tích, rút kinh nghiệm, nhận xét các lý do tử vong SXHD người lớn. Các giảng viên cũng dành nhiều thời gian tọa đàm với các học viên về những vấn đề khó trong chẩn đoán và điều trị mà các học viên gặp phải, chia sẻ những kinh nghiệm trong chẩn đoán, xử trí SXHD trẻ em tại tuyến huyện; Điều trị, chăm sóc sốc kéo dài, tổn thương đa cơ quan trong SXHD trẻ em…

      Theo chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các học viên sau đợt tập huấn sẽ là những giảng viên để tiếp tục phổ biến, truyền đạt các nội dung chuyên môn cho các bác sỹ, điều dưỡng cho bệnh viện mình và các cơ sở khám, chữa bệnh khác gồm cả công lập, tư nhân, y tế thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn theo chỉ đạo, phân công của Sở Y tế.