Thiếu cán bộ y tế được đào tạo về đái tháo đường

      Thiếu cán bộ y tế được đào tạo về đái tháo đường đã khiến 60% chưa được phát hiện bệnh; số bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ không quá 20%. Đây thực sự là thách thức đối với chuyên ngành Nội tiết, Đái tháo đường

       GS.TS Trần Hữu Dàng, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết- Đái Tháo đường Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh; chưa đến 20% số bệnh nhân được chẩn đoán được điều trị đúng hướng dẫn. Điều này khiến cho, đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới.

      Để hạn chế những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường, hơn 3 năm qua, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã triển khai “ Chương trình Chăm sóc đái tháo đường tại Việt Nam” (STENO-VDCP). Đến nay, Chương trình đào tạo về quản lý bệnh đái tháo đường đã đào tạo được cho hơn 900 nhân viên y tế và 300 giảng viên quốc gia. Mới đây nhất, trong hai ngày 28 và 29/5/2016, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã phối hợp với Công ty Novo Nordisk tổ chức Lớp đào tạo nhân viên y tế về quản lý đái tháo đường cho 120 nhân viên y tế thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực miền Trung.

       GS.TS Trần Hữu Dàng, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết- Đái Tháo đường Việt Nam Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh – chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.

      Do đó, việc đào tạo những nhân viên y tế có đủ kiến thức để chẩn đoán đúng và điều trị đúng cho người bệnh sẽ hạn chế được biến chứng của bệnh đái tháo đường như các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi… Do đó các cán bộ y tế phải có kiến thức sâu rộng về chẩn đoán, điều trị, kiến thức về dinh dưỡng, tập luyện….

      Dự kiến, trong năm Cục quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp quản lý bệnh đái tháo đường cho nhân viên y tế nhằm tăng cường số lượng và chất lượng các cán bộ y tế được đào tạo vê đái tháo đường.

Lê Hảo