Bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng

Bệnh tay chân miệng vẫn có diễn biến phức tạp trên diện rộng với số người mắc cao.

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức "Hội thảo quốc gia về bệnh tay chân miệng". 

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia trong nước và đại biểu đến từ các nước: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia và các tổ chức quốc tế.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 4 - 5/4) với hơn 20 báo cáo tập trung vào 4 chủ đề chính là: dịch tễ học; chẩn đoán và điều trị ca bệnh; dự phòng và kiểm soát bệnh tay chân miệng; miễn dịch và vắc xin. Nhiều báo cáo thu hút được sự quan tâm của các đại biểu như: "Dịch tễ học bệnh tay chân miệng tại Trung Quốc"; "Đặc điểm lâm sàng và điều trị bệnh tay chân miệng tại Việt Nam"; "Các yếu tố liên quan đến ca bệnh nặng và tử vong tại Campuchia"; "Tình hình nghiên cứu và phát triển vaccin EV71 trên thế giới và Việt Nam". 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh mới nổi đang được quan tâm ở nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Sự gia tăng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. Chính vì vậy, Hội thảo này là cơ hội để Việt Nam chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về dịch tễ học, chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm, điều trị và phòng chống bệnh tay chân miệng trong khu vực; đồng thời tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu và phòng chống bệnh tay chân miệng giữa các quốc gia trong khu vực.

Phân tích về tình hình bệnh tay chân miệng, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, bệnh tay chân miệng lưu hành ở nhiều nước trên thế giới. Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2009 bệnh có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao trong nhiều năm liền ngay tại môt số nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…

Năm 2012, bệnh tay chân miệng vẫn lưu hành và tiếp tục được ghi nhận tại các nước trên, đặc biệt tại những nước và vùng lãnh thổ: Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc và Sigapore ghi nhận số mắc cao bằng 1,2-1,8 lần so với cùng kỳ 2011.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng ghi nhận từ năm 2003 ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, cả nước có 157.654 người mắc bệnh và 45 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận 14.260 trường hợp mắc và 4 trường hợp đã tử vong. Như vậy, trong năm 2013, bệnh tay chân miệng vẫn có diễn biến phức tạp trên diện rộng với số người mắc cao.

Đánh giá về bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng cho rằng, bệnh tay chân miệng đứng thứ hai trong số 10 bệnh có số người mắc cao nhất tại Việt Nam năm 2012 sau bệnh tiêu chảy. Đây cũng là bệnh có số trường hợp tử vong đứng thứ ba sau bệnh dại và sốt xuất huyết. Đáng chú ý, hiện nay, tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất tập trung ở các tỉnh phía Nam. Năm 2011 và 2012 tỷ lệ tử vong ở khu vực phía Nam cao gấp hơn 2 lần so với mức chung của cả nước.

Nguyên nhân bệnh là do vi rút đường ruột lây lan theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp; có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau; bệnh lưu hành rộng ở các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, hiện giới chuyên môn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Tại Hội thảo, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng chưa thực sự đến được đối tượng đích (người chăm sóc trẻ ở các hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi), tỷ lệ người dân hiểu sai và không biết về bệnh này khá cao; hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm (22,8% người dân không biết các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng).

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục duy trì thực hiện giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá xu hướng của bệnh, đề xuất giải pháp can thiệp kịp thời; tổ chức nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng, chống; thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị... Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông cho đối tượng là các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình; truyền thông trực tiếp qua đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ; giao trách nhiệm cho trạm y tế xã, phường, nhân viên y tế thôn bản phụ trách các hộ dân có trẻ dưới 3 tuổi, hướng dẫn cho gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh…

Nhật Hà.CHITI