Khám BHYT, bệnh nhân phải qua 12 bước?

Người bệnh chờ ít nhất gần 4 giờ từ lúc vào làm thủ tục đến lúc khám, tại các BV.

Tại nhiều BV chuyên khoa bị quá tải, có không ít bệnh nhân phải đợi 8 giờ mới được khám, xét nghiệm và nhận đơn của bác sĩ.

Theo thống kê của ngành Y tế, thời gian chờ đợi trung bình của một bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường tại các bệnh viện (BV) lớn khoảng hơn 4 giờ.

Chờ đợi mọi nơi, mọi chỗ!

Tại nhiều BV lớn, cảnh người bệnh phải nằm, ngồi chờ đợi ở mọi nơi, mọi chỗ hiện vẫn không có gì thay đổi. Ngay lãnh đạo ngành y tế cũng thừa nhận, dù đã có tới vài chục phòng khám, nhưng có những BV vẫn phải để người bệnh chờ ít nhất gần 4 giờ từ lúc vào làm thủ tục đến lúc khám, xét nghiệm và nhận đơn của bác sĩ. Quy trình khám chữa bệnh gồm 12 bước, kể từ lúc bệnh nhân vào BV đến khi nhận thuốc, đã khiến không ít “thượng đế” có BHYT phải nản lòng.

Bà Mai Hương, 58 tuổi (ở Nho Quan, Ninh Bình), đi khám và xét nghiệm tại BV K than thở: “Tôi đã khổ vì bệnh u buồng trứng, đến đây phải chờ đợi, rồi phải thực hiện quá nhiều khâu khiến cả nhà tôi “chùn chân!”. Quả thật, vào khoa khám bệnh chờ đến số từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, bà Hương mới được gặp bác sĩ. Sau khi có chỉ định thử máu, xét nghiệm, siêu âm, bà Hương lại phải quay lại khu thu tiền để xếp hàng chờ đóng phí, rồi khi đến các phòng làm xét nghiệm, bà Hương tiếp tục xếp hàng đợi đến lượt. Đến gần 12 giờ trưa, bà Hương mới hoàn tất siêu âm, xét nghiệm. Chưa hết, bệnh viện còn hẹn chiều mới đến lấy phim chụp X-quang và kết quả sinh hóa máu…

Tương tự, tại BV Nhi Trung ương, các ông bố, bà mẹ cũng phải tất tả ngược xuôi các khoa phòng để làm các thủ tục khám chữa bệnh, nhập viện cho con trẻ. Thậm chí, nhiều người đã phải trở lại địa phương để mang theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chuyển viện… bởi chỉ cần sai một lỗi nhỏ, BV cũng không chấp nhận vì họ lo không thanh toán được với cơ quan quản lý BHYT.

Anh Hoàng Thái ở Hoàng Mai, Hà Nội, cũng không tưởng tượng được khi người thân mình nằm điều trị tại khoa thần kinh của một BV tuyến Trung ương lại phải nằm “úp thìa” do còn 2 bệnh nhân nữa cùng “đồng hành” trên chiếc giường nhỏ của BV. Chưa hết, những thủ tục nhập viện, tạm ứng… cũng khiến người nhà bệnh nhân “bở hơi tai” hỏi han trong khi nhân viên y tế hướng dẫn “bở hơi tai” hỏi han trong khi nhân viên y tế hướng dẫn “nhát gừng”, thậm chí còn quát tháo người bệnh. “Chữa bệnh bằng thẻ BHYT mà phải chịu khổ thế này thì ai còn tha thiết mua thẻ” – anh Thái than thở.

Cải tiến từ đâu?

Để cải tiến quy trình khám chữa bệnh hiện hành, ngành y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cùng ngồi lại để đưa ra các giải pháp nhằm chuẩn hóa quy trình, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải bệnh viện.

Để rút gọn quy trình khám chữa bệnh 12 bước, mới đây, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các BV về sơ đồ quy trình khám bệnh từ 4 đến 6 hay 8 bước – tùy theo người bệnh khám thong thường hay khám chuyên khoa, cận lâm sàng. Và cách để người bệnh được khám chữa bệnh nhanh nhất là người bệnh không phải đóng phí trước khi khám hay trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, với những thủ tục còn nặng về hành chính của các bệnh viện cũng như ngành bảo hiểm hiện nay, quy trình khám trước khi đóng phí không nhận được sự đồng tình của lãnh đạo nhiều BV: “Cứ thu viện phí trước đi, BV lớn người ta thu tất cả, BV nhỏ tùy đối tượng phải thu, đừng để thất thu nhiều viện phí” – ông Vàng A Sang, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Yên Bái bảo vệ quan điểm của mình.

Nhưng nếu BV cứ lo thất thu viện phí của bệnh nhân BHYT thì chuyện người bệnh phải trải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải chờ đợi trong cảnh quá tải sẽ vẫn tái diễn. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Bảo hiểm Xã hội đã thảo luận với Bộ Y tế và cũng hoàn toàn thống nhất bỏ khâu đóng phí trước mỗi lần xét nghiệm. Như vậy, nếu bệnh nhân phải làm nhiều xét nghiệm sẽ bớt được nhiều lần chờ đợi, và sau cùng họ mới phải làm thủ tục thanh toán. Tiến tới, hai cơ quan này sẽ chuẩn hóa các thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, khuyến khích người dân đăng ký khám chữa bệnh qua điện thoại… để cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, giảm quá tải BV.

Về phía ngành y tế, dù đôn đốc các BV cải tiến quy trình khám bệnh, nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, với cơ sở vật chất chật chội, dù các BV có muốn sắp xếp lại hệ thống phòng khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… cũng khó thực hiện được. Chính vì vậy, tùy theo từng điều kiện mà các BV sáng tạo theo cách của mình để làm sao người bệnh không mất quá nhiều thời gian chờ đợi. “Mục đích cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh. Ngành Y tế phải phục vụ người bệnh tốt, trân trọng họ, coi họ là khách hàng” – bà Kim Tiến khẳng định.

PhungLan.CHITI

Theo VOV