Thực hiện BHYT: Nhiều vướng mắc do quy định!

Thực tế cho thấy các quy định về BHYT hiện còn nhiều bất cập.

Lần đầu tiên, một luật vừa mới ban hành hơn 3 năm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải lập đoàn để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) và tháng 10 tới đây sẽ báo cáo kết quả trước Quốc hội (QH) để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung luật này. Tại TPHCM, trong ngày 27/3, đoàn giám sát do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định và UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Bất cập từ thủ tục đến quy định!

Báo cáo của 2 BV đều cho thấy số bệnh nhân BHYT tăng dần hàng năm (chiếm từ hơn 50% đến 70% trên tổng số bệnh nhân). Bên cạnh tín hiệu đáng mừng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng thì cũng đáng lưu ý do tình trạng vượt tuyến ngày càng nhiều, theo giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn phần lớn chỉ là các bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình, các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn đủ khả năng xử lý, điều trị.

Thực tế cho thấy các quy định về BHYT hiện còn nhiều bất cập. Về thủ tục, điều gây khó khăn đối với người dân nhất là phải mang quá nhiều loại giấy tờ: giấy chuyển viện từ tuyến dưới; giấy tờ tùy thân; thẻ BHYT cũ để chứng minh đã tham gia bảo hiểm có thời hạn trên 6 tháng mới được hưởng điều trị kỹ thuật cao… Quy định về mức trần điều trị đối với bệnh nhân từ các tuyến khác chuyển đến cũng gây khó các bệnh viện, do tình trạng ngày càng có nhiều bệnh nặng (như ung thư) và việc áp dụng các trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao sẽ khiến chi phí khám chữa bệnh tăng lên (năm 2011, Gia Định vượt 16 tỷ; năm 2012, Chợ Rẫy vượt hơn 5 tỷ).

Một số quy định còn bất hợp lý như không thanh toán quá 2 lần cho PET (kỹ thuật cao) trong 1 chu trình điều trị; ngoại trú không được thanh toán tiền giường, trong khi bệnh nhân hóa trị (về trong ngày) vẫn cần có giường nằm để vào thuốc. BV phải “lách luật” bằng cách lập hồ sơ bệnh án nhập viện và xuất viện; người bị tai nạn giao thông phải được xác định là không có lỗi mới được hưởng BHYT…

Đối với các hộ nghèo được cấp thẻ BHYT, các BV đều đề nghị bỏ quy định đồng chi trả 5% nên cho hưởng BHYT toàn bộ, vì thực tế rất nhiều trường hợp không thể đóng được khoản tiền này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất BHYT bổ sung phần dinh dưỡng cho bệnh nhân hộ nghèo, vì phần lớn đều bị suy kiệt.

Tại xã Xuân Thới Thượng, dù Trạm Y tế xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị sơ cấp cứu nhưng từ tháng 7/2012, do vướng mắc các quy định về ký hợp đồng với BHXH nên nơi đây không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh cho diện BHYT. Phản ánh với đoàn giám sát, thương binh 2/4 Phạm Phương Thanh bức xúc: “Tôi tuổi cao, sức yếu, làm sao có thể thường xuyên đến BV Đa khoa Hóc Môn để khám vì vừa đông lại vừa xa. Từ khi Trạm y tế xã không còn được khám BHYT, tôi toàn ra hiệu thuốc tư nhân mua thuốc uống, thẻ bảo hiểm của tôi thành vô dụng”. Tương tự, bệnh binh Võ Văn Tiến cho biết ông bị nhiễm chất độc da cam, mỗi tháng phải thử máu một lần. Từ khi thực hiện Luật BHYT, ông bị buộc chuyển về đăng ký tại BV Hóc Môn. Mỗi lần khám bệnh, ông phải đến từ 4 giờ sáng và đến đầu giờ chiều mới được nhận kết quả do nơi đây quá tải!

“Người dân phải được tiếp cận chính sách một cách tốt nhất”!

Tại 3 điểm giám sát, đồng chí Trương Thị Mai đều khẳng định phải tạo điều kiện để người dân được tiếp cận chính sách an sinh xã hội một cách tốt nhất. Đồng chí phê bình huyện Hóc Môn về việc ra văn bản không cho Trạm Y tế xã điều trị diện BHYT, vì luật đã quy định người dân có quyền này. “Chúng ta trang bị các thiết bị, dụng cụ để làm gì nếu như người dân không được khám BHYT tại đó?”. Về đề xuất bỏ mức đồng chi trả 5% cho hộ nghèo, theo đồng chí, mục đích ban đầu của quy định này là nhằm để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh nhưng thực tế cho thấy mục tiêu trên đã không đạt được, cần phải xem xét lại chính sách này. Liên quan đến điều trị cho hộ nghèo, đại diện BHXH Việt Nam cho biết nơi đây đang xem xét về mục bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân suy kiệt.

Đối với vướng mắc khi thực hiện BHYT cho người bị TNGT có nồng độ cồn, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ quan điểm các cơ quan chức năng cần phải rõ ràng về chính sách. Người dân mua thẻ để được chăm sóc khi có vấn đề về sức khỏe, còn việc họ có vi phạm luật hay không thì sẽ được điều chỉnh, xử lý bằng quy định khác, không nên “cột chung” các chính sách này với nhau, sẽ gây vướng. 

PhungLan.CHITI

Theo SGGP