“Mập mờ” quyền đánh giá dịch vụ y tế của người bệnh

Là đối tượng trực tiếp sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng Luật khám chữa bệnh đã “bỏ quên” quyền tham gia của người bệnh vào quá trình đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ y tế khác.

Từ trước đến nay, Bộ Y tế đã ra một số văn bản quy định vai trò và phương thức cho người bệnh và cộng đồng tham gia cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Cụ thể, năm 1997, Bộ Y tế ban hành quy chế bệnh viện trong đó đề cập đến vai trò của bệnh nhân trong cải thiện các hoạt động bệnh viện. Theo đó mỗi bệnh viện sẽ thành lập Hội đồng người bệnh. Hội đồng họp hàng tuần ở các khoa và hàng tháng ở cấp bệnh viện để đại diện cho người bệnh phản ánh góp ý kiến về tổ chức, tình hình khám chữa bệnh và phục vụ chăm sóc của bệnh viện.

Tiếp đó, năm 2004 Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đường dây nóng trong bệnh viện nhằm giúp lãnh đạo các bệnh viện công lập nắm được các ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ, trong đó có việc cải thiện chất lượng dịch vụ. Ở hầu hết các bệnh viện công lập, hình thức hộp thư góp ý cũng được áp dụng nhưng hộp thư này không phải là một đơn vị độc lập có đủ thẩm quyền quản lý mà chính phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện đảm đương thống kê các ý kiến phản hồi. Theo đánh giá của một số chuyên gia thì đây chẳng khác nào hình thức “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên kiểu phản ánh, góp ý qua hộp thư đến nay đang “chết yểu”.

Năm 2009, Luật khám chữa bệnh đã quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh bao gồm: Bệnh nhân được tư vấn, giải thích tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và các dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với bệnh; người bệnh được tôn trọng bí mật riêng tư;… người bệnh không bị kỳ thị phân biệt đối xử; người bệnh có quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án, chi phí khám chữa bệnh, quyền từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh. Điều đó cho thấy Luật khám chữa bệnh chưa đề cập đến quyền của người bệnh trong việc tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ y tế khác.

Năm 2011, Bộ Y tế tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Bộ Y tế cho rằng đây là cơ sở để tăng cường chất lượng của dịch vụ điều dưỡng và hộ sinh vì các dịch vụ này gắn liền với chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người bệnh.

Tại Hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bộ Y tế do Liên minh Châu Âu tài trợ và phối hợp tổ chức (ngày 13/12), ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế nhận định: “Mặc dù đã có những quy định về nâng cao vai trò của người sử dụng dịch vụ trong các bệnh viện nhưng thực tế lại đang thiếu những quy định và cơ chế giám sát có hiệu quả việc thực hiện các quy định này”.

Hệ quả của việc thiếu cơ chế, thiếu thông tin hướng dẫn khiến người dân không biết phải phản hồi ý kiến, khiếu nại trực tiếp về chất lượng dịch vụ của cơ sở y tế cho ai, cơ quan hay đơn vị nào. Cơ chế bảo vệ quyền lợi người bệnh - người tiêu dùng - chưa được phát triển đầy đủ khiến vai trò tiếng nói của cộng đồng, của người bệnh trong việc tham gia xây dựng kế hoạch y tế, cải thiện chất lượng bệnh viện đang rất hạn chế.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đang bàn về dự thảo Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2012 - 2013. Nếu dự thảo được thông qua thì một trong những nội dung quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ của bệnh viện là “ý kiến hài lòng người bệnh” sẽ được xây dựng và ban hành.

PhungLan.CHITI
Theo Dân Trí