Hạ bậc BV tuyến trên khám chữa những ca đơn giản

 

Tại hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế tổ chức vào mới đây, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu các BV tuyến trên hạng 1, hạng 2 vẫn để xảy ra nhiều tình trạng quá tải, khám chữa bệnh những ca đơn giản thì Bộ Y tế sẽ có phương án hạ xếp hạng những BV này…

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp y tế được chia thành 5 hạng: Hạng đặc biệt, Hạng I, Hạng II và Hạng III và hạng IV. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế được xác định trên nguyên tắc đánh giá chấm điểm theo 5 nhóm tiêu chuẩn gồm. Nhóm tiêu chuẩn về vị trí, chức năng và nhiệm vụ; nhóm tiêu chuẩn về quy mô và nội dung hoạt động; nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu lao động và trình độ cán bộ; nhóm tiêu chuẩn về khả năng chuyên môn, hiệu quả chất lượng công việc và nhóm tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Bệnh viện được xem xét, xếp lại hạng sau 5 năm hoạt động…

Tuy nhiên, hiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong các cơ sở khám chữa bệnh không được đánh giá một cách toàn diện và hệ thống. Vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ xem xét các giải pháp để xếp lại hạng các BV, nếu các BV điều trị những ca bệnh đơn giản, không đúng chức năng nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng quá tải… sẽ xếp tụt bậc xuống.

Năm 2011, qua kiểm tra, Bảng kiểm tra bệnh viện có 148 tiêu chuẩn với 100 điểm, 41 nội dung trừ điểm với 32 điểm trừ, 2 nội dung thưởng điểm với 1 điểm thưởng. Nội dung kiểm tra bao gồm việc thực hiện 7 chức năng, nhiệm vụ và thực hiện Quy chế bệnh viện, đánh giá cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hoạt động tài chính và nhân lực bệnh viện, chất lượng và hiệu quả công tác KCB. Bảng kiểm tra bệnh viện bao gồm có một số tiêu chí gắn với chất lượng bệnh viện, bao gồm cả tiêu chí đầu vào, quy trình và kết quả thực hiện.

Theo điều tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) mức độ tuân thủ quy trình lâm sàng còn thấp. Kết quả những khảo sát tiêm an toàn năm 2008 cho thấy, một bộ phận nhân viên y tế ( chiếm 55%) còn chưa cập nhật thông tin về tiêm an toàn liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn; tỷ lệ người bệnh được kê đơn sử dụng thuốc tiêm cao (chiếm 71,5%); một số nhân viên y tế chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật và các thao tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành tiêm (vệ sinh tay, mang găng, sử dụng panh, phân loại và thu gom chất thải sắc nhọn sau tiêm, dùng tay để đậy nắp kim sau tiêm, …), chưa báo cáo và theo dõi rủi ro do vật sắc nhọn (chiếm 87,7%), mức độ tuân thủ quy định rửa tay, nhân viên y tế rửa tay đúng quy trình (chiếm 56%).

Ngoài ra, ngành y tế chưa có bộ chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng bệnh viện. Hệ thống thu thập và công bố thông tin về chất lượng bệnh viện, đặc biệt là chất lượng đầu ra của bệnh viện chưa được hoàn thiện. Một số chỉ số đầu ra như: tỷ lệ tử vong, ngày điều trị trung bình chưa được tập hợp theo nhóm bệnh nên chưa thể sử dụng để đánh giá chất lượng điều trị. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, tử vong trong 24 giờ nhập viện, tỷ lệ tái nhập viện trong 48 giờ … chưa được thống kê, phân tích và đánh giá.

Bộ Y tế đã chỉ đạo và hướng dẫn kiểm tra bệnh viện và các viện có giường bệnh, kể cả bệnh viện ngoài công lập, sử dụng Bảng kiểm tra bệnh viện. Mục đích kiểm tra định kỳ hàng năm là đánh giá toàn diện, phân loại bệnh viện theo kết quả kiểm tra và thực hiện công tác thi đua xếp hạng.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề quá tải ở bệnh viện tuyến trên trong nhiều năm qua, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân và giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, đôn đốc, theo dõi đánh giá hiệu quả hoạt động chuyên môn của bệnh viện tuyến trên đối với bệnh tuyến dưới, khắc phục những hạn chế về nhân lực, về năng lực tuyến dưới, luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới…

Việc công khai và phổ biến các thông tin minh bạch về chất lượng dịch vụ  của các cơ sở y tế để người dân biết và lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp luôn được quan tâm đối với các nước phát triển trong khu vực, tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành ở VN không quy định về việc sử dụng bộ chỉ số đo lường, đánh giá cũng như các công cụ khác để theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ y tế.