6 sự kiện y tế đình đám năm 2012

Năm 2012 qua đi, khép lại không ít những biến cố, những sự việc nổi cộm xảy ra trong ngành y tế mà dư luận luôn dành sự quan tâm đặc biệt.

1.  Vẫn chưa dừng lại ở tăng giá 447 dịch vụ y tế 

Sau rất nhiều lần, nhiều năm phải hoãn lại vì lấy ý kiến dư luận và chờ phê duyệt của Chính phủ, cuối cùng  vào tháng 6.2012 đã chính thức được phép tăng giá của  447 dịch vụ y tế.  Hầu hết các BV tuyến TƯ và hạng đặc biệt đều tăng 90 – 98% khung giá được ban hành. Khoảng 30 tỉnh/TP  tăng 70 – 80% khung giá này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 18 tỉnh/TP chưa tăng giá.

Trước việc tăng giá này, BHXH cũng dự báo: Sẽ có 40 tỉnh đứng trước ngưỡng vỡ quỹ. Chỉ có 20 tỉnh là sẽ cân đối hoặc bội chi ít, thế nhưng đây đều là những tỉnh nghèo, có số thu thấp. Như vậy, trên bình diện chung, sơ bộ  quỹ BHYT năm 2012 sẽ bội chi 500 tỉ đồng. Còn năm 2013 dự báo sẽ bội chi 1.000 tỉ đồng.

Sau khi 447 dịch vụ y tế đã được tăng, lãnh đạo Bộ Y tế còn cho hay: Đây chưa phải là mức tăng cuối cùng, mà sẽ có một lộ trình tăng nữa, để giá dịch vụ y tế đạt đến mức tính đúng, tính đủ, chứ không phải chỉ dừng lại ở 3/7 yếu tố cấu thành giá như hiện nay.

2.    Tai biến sản khoa lập kỷ lục

Chưa năm nào mà tai biến sản khoa lại xảy ra nhiều, dồn dập như năm 2012. Vụ tai biến đầu tiên mở màn cho chuỗi các tai biến liên tiếp xảy ra sau đó, là vụ tai biến tại Quảng Ngãi đối với sản phụ Hương (23 tuổi, ở TP Quảng Ngãi) tại BV đa khoa tỉnh ngày 18.4. Chị được đưa vào BV sinh, đến ngày hôm sau có biểu khó thở, được chuyển vào phòng mổ đẻ. Tuy nhiên đến sáng ngày tiếp theo thì tử vong, bé trai chào đời cũng trong tình trạng nguy kịch. Gia đình bức xúc cho rằng BS tắc trách vì thấy sản phụ khó đẻ, gia đình đề nghị mổ nhưng BS không cho mổ với lời giải thích vẫn đẻ thường được.

Vụ thứ 2 xảy ra đối với sản phụ Mai Thị Lành, 39 tuổi được đưa đến BV Đa khoa cao su Đồng Nai và tử vong cả mẹ và con ngay sau khi sinh. Nguyên nhân được xác định là do bị thuyên tắc ối.  Đến ngày 20.4 đã xảy ra vụ tai biến thứ 5 ở Bắc Ninh. Gia đình sản phụ Loan đã đưa cả quan tài đến BV đa khoa Kinh Bắc vì quá bức xúc.

Từ đó đến nay, liên tiếp những vụ tai biến sản khoa đã xảy ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu ở BV tuyến tỉnh, cá biệt có ca xảy ra ở BV đầu ngành như BV Phụ sản TƯ hồi tháng 9. Gần đây nhất, tai biến sản khoa xảy ra ở BV đa khoa huyện Can Lộc khiến người mẹ tử vong.

Theo thống kê, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 1.660 ca tai biến sản khoa, tăng 235 ca so với cùng kỳ năm 2011. Con số này chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có đến 60% tai biến sản khoa không được các địa phương báo cáo.

Sau mỗi vụ tai biến sản khoa xảy ra, cảnh tượng quen thuộc là cuộc giằng co căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với BV. Người nhà bệnh nhân bức xúc tột độ, còn BV cũng căng thẳng đối phó với những phản ứng này, họp hành, tường trình, gặp gỡ gia đình bệnh nhân. Nhưng kết luận cuối cùng cũng dần trở nên quen thuộc, hầu hết các báo cáo đều cho thấy BV không có sai sót chuyên môn, xử lý kịp thời, làm hết trách nhiệm.

3.  Bệnh do Ký sinh trùng - côn trùng  tấn công con người  

Anh Hữu, 25 tuổi, quê ở Phú Yên bị viêm não,  đã tử vong sau 1 ngày nhập viện tại BV Nhiệt đới TP.HCM và được xác định đã mắc phải một loại ký sinh trùng có tên “amip ăn não người” ­ - tên khoa học là Naegleria fowleri.  Bệnh nhân đã nhiễm loại ký sinh trùng này sau lần lặn bắt trai hồ gần nhà. Bệnh nhân lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi.

Bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (1962 - 2011), Mỹ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 – 8 trường hợp/ năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não – màng não do Naegleria fowleri.

Sau amip ăn não người, người dân tại các tỉnh phía Nam lại bất ngờ trước thông tin có những bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta gây suy thận cấp do… chuột cắn. Virus Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu. Ngoài ra, virus Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Một số ít trường hợp có biểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể tử vong.

Điều đáng chú ý là với các trường hợp nhiễm bệnh, khi điều tra dịch tễ học lại, người ta thường thấy xung quanh nhà họ thường có rất nhiều chuột. Do đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra các khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng.

Con kiến nhỏ bé đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt được gọi là kiến ba khoang -  tuy không gây tử vong nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng trăm người. Trong vòng 2 tháng 10 - 11, tại BV Da liễu TƯ đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân, chủ yếu ở khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bị viêm da tiếp xúc do côn trùng (trong đó có kiến ba khoang) tới khám. Đây là con số cao nhất tính từ đầu năm tới nay và năm 2011. Bệnh biểu hiện là xuất hiện những vùng da tấy đỏ sưng nề, giữa vùng da đỏ có vết thâm to bằng nửa bàn tay, ngứa ngáy, sưng nề và đau rát.

4.  Hàng loạt trẻ nhỏ bị tai biến sau tiêm vaccine

Gần 30 trẻ có vấn đề sau tiêm vaccine Quinvaxem (do Cty Berna Biotech Korea Corporation, Hàn Quốc sản xuất). Ba trường hợp (2 bé trai, 1 bé gái đều 3 tháng tuổi) ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được xác nhận là đã tử vong sau tiêm loại vaccine này từ 34 – 66h.  Đây là loại vaccine 5 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib.  

 

Bộ Y tế xác định đây là phản ứng chùm sau tiêm chủng nên đã yêu cầu ngừng sử dụng lô vaccine Quinvaxem liên quan đến tai biến nói trên trên toàn quốc. Bộ cũng đồng thời đề nghị Tổ chức Y tế thế giới phối hợp kiểm định độc lập mẫu lưu vaccine tại nhà máy ở Hàn Quốc.

5.  Bùng nổ ghép tạng

Với sự thành lập của Trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng, BV Việt Đức đã đẩy mạnh ghép tạng từ người cho chết não với hàng chục người được ghép và có cuộc sống khỏe mạnh sau ghép. BV Bạch  Mai trong những ngày cuối năm công bố ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên.

Bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu ngày ra viện

Việt Huyết học và truyền máu TƯ cũng thông tin về bệnh nhân đặc biệt Hoàng Thị Diệu Thuần, tác giả cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương”, sau 7 năm “chiến đấu” với bệnh ung thư đã được ghép tủy thành công. Nhận tủy từ anh trai mình, dù chỉ số hòa hợp không được như mong muốn nhưng tủy mới đã sống. PGS – TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học  và truyền máu TƯ cho biết: Từ năm 2006 đến nay, Viện đã thực hiện trên 50 ca ghép tế bào gốc với tỷ lệ thành công đạt trên 75%.

 6.   Sự thất thế của y học cổ truyền

Vụ việc bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong (34 tuổi, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại phòng khám (PK) đa khoa Maria  đã vén lên bức màn che đi những lình xình trong công tác quản lý các PK đông y Trung Quốc ở Hà Nội. Rất nhiều PK quảng cáo nổ là có BS giỏi Trung Quốc nhưng thực ra chỉ là những người giúp việc cho BS, chỉ đủ khả năng thực hiện các thủ thuật nhỏ, hay những người làm việc không có giấy phép lao động ở VN, từng bị trục xuất về nước. Ngay các nhân viên của PK Maria sau khi xảy ra tai biến với chị Phong cũng đã cao chạy xa bay về nước.

Vụ việc được các cơ quan y tế, công an điều tra “nói lớn” là sẽ khởi tố, nhưng rồi đến nay sau 6 tháng xảy ra, mọi việc dường như đã chìm xuồng, không ai còn nói đến nữa. Điều còn lại chỉ là PK Maria vẫn đóng cửa, một loạt PK đông y khác ở Hà Nội cũng ngừng hoạt động vì lý do…vắng khách.

Sau vụ việc này, người ta còn khui ra kết quả xét nghiệm rất nhiều mẫu dược liệu giả, kém chất lượng, thậm chí còn bị trộn cả xi măng làm tăng trọng lượng đang được lưu hành nhiều nơi, có cả PK và BV tư lẫn BV công.  Cụ thể, kết quả kiểm tra từ tháng 4.2012, trong 193 mẫu đã có 66% mẫu không đạt chỉ tiêu so với tài liệu dược điển VN. Có khoảng 20 vị thuốc được xác định dễ bị nhầm lẫn giữa các loại hay trộn lẫn hóa chất, không đạt chỉ số về hoạt chất.

Có nhiều phòng kiểm nghiệm đã xác định vị “Thỏ ty tử” có trộn ximăng hoặc chất vô cơ khác; hay vị thuốc hồng hoa, phát hiện có hóa chất nhuộm màu.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên chủ tịch Hội cho biết, đông y Việt Nam các vị thuốc ở TQ đưa sang VN thường là loại 3, loại 4, chưa kể là thuốc giả, thuốc bị rút hoạt chất.