Bác sĩ làm chủ kỹ thuật chỉ 2 quốc gia làm được

Xem video vài chục giây về nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ, PGS Sơn ấp ủ thực hiện kỹ thuật hiện chỉ 2 nước trên thế giới làm được.

 

12 năm trước, khi làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Ngọc Sơn cùng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, khi ấy là Giám đốc Bệnh viện, tham dự hội nghị Quốc tế về phẫu thuật nội soi nhi khoa. Tại đây, trung tâm hàng đầu về phẫu thuật nội soi ở Bắc Kinh, Trung Quốc chiếu một đoạn video ngắn khoảng vài chục giây về kỹ thuật nội soi một lỗ trong điều trị nang ống mật chủ. Vốn đã thực hiện thành thạo kỹ thuật nội soi 4 lỗ điều trị nang ống mật chủ, bác sĩ Sơn khao khát bản thân phải làm được "kỹ thuật nội soi một lỗ như vậy".

Tháng 11 năm nay, khi thực hiện ca mổ cho bé gái Australia, cũng là bệnh nhân nước ngoài đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này, PSG Sơn, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhẹ nhõm khi ước mơ ông ấp ủ hơn một thập niên được thế giới biết đến.

Nang mật chủ là một trong những bệnh lý về gan mật phổ biến ở trẻ em. Thông thường, đường mật chủ của trẻ chỉ có đường kính khoảng vài milimet. Với trường hợp trên, bác sĩ xác định đường mật chủ có đường kính hơn 2 cm, giãn thành hình thoi. Dị tật này nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm mật tái diễn, trường hợp cấp tính nguy cơ viêm mật cấp, viêm tụy, thậm chí hoại tử ống mật chủ, viêm phúc mạc mật, có thể tử vong nếu không được điều trị.

Nội soi một lỗ trong điều trị nang mật chủ được đánh giá là rất khó và lạ, chỉ Trung Quốc báo cáo thành công vào năm 2011. Với kỹ thuật này, bác sĩ thực hiện một vết rạch 15 mm ở rốn thay vì ba lỗ như trước, các dụng cụ đều thao tác qua một lối vào, đòi hỏi phẫu thuật viên phải rất thành thạo và khéo léo xử lý để các dụng cụ không chạm vào nhau.

Các đồng nghiệp khuyên ông: "Tội gì phải thế, mình làm khổ mình, cứ nội soi thông thường là tốt lắm rồi", nhưng người đàn ông không nản lòng. "Nếu thực hiện được, đây sẽ là bước tiến mới", bác sĩ nói, thêm rằng ông đặt quyết tâm và kiên trì thực hiện bằng cách tự mày mò nghiên cứu vì không có tài liệu hay mô hình nào hỗ trợ.

PGS.TS Trần Ngọc Sơn. Ảnh: Thúy Quỳnh

PGS.TS Trần Ngọc Sơn. Ảnh: Thúy Quỳnh

Ca đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này được thực hiện trên bệnh nhi 2 tuổi, kéo dài 6 tiếng, gấp đôi thời gian so với nội soi thông thường. Bệnh nhi được chẩn đoán nang ống mật chủ từ triệu chứng đi ngoài phân nhạt màu, đau bụng và buồn nôn. Với nội soi thông thường, bác sĩ sử dụng 3 dụng cụ, trong khi nội soi một lỗ chỉ dùng 2 dụng cụ, vì vậy bác sĩ Sơn khắc phục bằng cách sử dụng các mũi khâu treo.

Khi dụng cụ đi qua vết rạch, chúng va chạm, vênh nhau, khiến đôi tay người mổ như "bó lại", không thể thực hiện được các thao tác như mong muốn. Đơn cử động tác khâu nối trong ổ bụng, với nội soi thông thường đã rất khó, trong khi kỹ thuật một lỗ chỉ có một đường rạch, dẫn đến 15 phút mới được một mũi khâu.

 

"Nhiều khi cảm thấy rất sốt ruột và có lúc tưởng muốn nản", bác sĩ Sơn nhớ lại, thêm rằng ông đã cố gắng bình tĩnh, xử trí từng thứ một. Khi dụng cụ va chạm, ông mất thời gian tính toán khoảng cách để làm sao ít va chạm nhất, không để chúng cản trở nhau. Ông đánh giá việc này không gây chấn thương cho bệnh nhân, chỉ là kéo dài thời gian, vẫn đảm bảo an toàn, mổ trong kiểm soát. Kỹ thuật này không đòi hỏi thiết bị đắt tiền hay "những gì quá cao siêu như robot", vẫn là dụng cụ nội soi thông thường, quan trọng nhất là thao tác, kỹ năng của kỹ thuật viên.

"Ca mổ đặt ra nhiều thách thức, bởi nếu lần đầu thất bại, rất có thể tôi sẽ không còn có cơ hội về sau", ông nói, thêm rằng suy nghĩ thường trực trong bác sĩ lúc đó là khát khao làm sao đem lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh. Đó là mổ không để lại sẹo, không phải nằm viện lâu dài cũng như biến chứng nhiễm trùng.

May mắn, ca phẫu thuật thành công, là món quà tinh thần khích lệ bác sĩ Sơn có thể thực hiện liên tiếp những ca nội soi một lỗ trên bệnh nhân nang ống mật chủ về sau.

Bác sĩ Sơn trong một ca phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Sơn trong một ca phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Năm 2013, ông điều trị thành công 16 ca và hoàn thành nghiên cứu báo cáo đầu tiên trên thế giới. Đến nay, Việt Nam trở thành một trong hai nước trên thế giới thực hiện thành công kỹ thuật này. Hiện, 300 bệnh nhi đã được mổ bằng nội soi một ống, thời gian 3 tiếng một ca mổ bằng với nội soi thông thường.

Đối với bệnh nang mật chủ, tại nhiều trung tâm ở Pháp và nhiều nước phát triển, phẫu thuật kinh điển vẫn là mổ mở. Khi đó, đường rạch sẽ lớn, sang chấn nhiều, hồi phục chậm, đặc biệt là với trẻ em. Còn nội soi một lỗ mang lại giá trị thẩm mỹ, giảm biến chứng, sang chấn cho bệnh nhân. Mổ nội soi một đường rạch còn ứng dụng để điều trị ở nhiều bệnh lý khác như tiết niệu, tiêu hóa, cắt ruột thừa, cắt u nang buồng trứng, các u nang ổ bụng.

Nhiều chuyên gia từ Mỹ, Pháp, Indonesia, Philippines, Thái Lan đến xem và bày tỏ sự ngưỡng mộ, thích thú, tuy nhiên đa số đánh giá đây là kỹ thuật khó nên về nước không thực hiện. Do đó, hiện chỉ có Trung Quốc và Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này. Đó cũng là lý do gia đình người Australia, hiện sống tại Indonesia, đưa con đến Việt Nam phẫu thuật vào tháng 11, sau khi người bố đọc và biết đến PGS Sơn qua một bài báo.

Nhận thấy đây là phương pháp xâm lấn rất ít so với mổ mở, người đàn ông liên hệ với PGS Sơn để trao đổi tình trạng con gái mình. Cuối cùng, cả gia đình bay sang Việt Nam đăng ký mổ cho con gái tại Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Hiện em đã hồi phục, có thể chạy nhảy chỉ sau 4 ngày phẫu thuật.

Gia đình bệnh nhi người Australia cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Gia đình bệnh nhi người Australia cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

PGS.TS Trần Ngọc Sơn, 54 tuổi, tốt nghiệp năm 1993 tại Đại học Y Pleven, Bulgaria. Ông ở lại thực tập chuyên ngành ngoại khoa, làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Năm 2002, ông về nước, công tác tại Bệnh viện Nhi trung ương; chuyển về Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn năm 2016.

Ông là chủ nhiệm của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, một đề tài cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở, có hơn 100 báo cáo tại các hội nghị quốc tế chuyên ngành phẫu thuật nhi; là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của Việt Nam cũng như quốc tế.

Thúy Quỳnh