Đơn Dương - huyện nông thôn mới đầu tiên tại Tây Nguyên

NDĐT - Sáng 3-10, tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện nông thôn mới thứ sáu cả nước và huyện đầu tiên tại Tây Nguyên.

Huyện Đơn Dương nằm phía đông bắc tỉnh Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt khoảng 30km, huyện gồm tám xã và hai thị trấn, dân số hơn 99 nghìn người. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của huyện đạt 15,1%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.522 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 48 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%.

Nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nền nông nghiệp Đơn Dương có sự phát triển vượt bậc theo hướng công nghệ cao, và trở thành vùng chuyên canh rau nổi tiếng tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, huyện Đơn Dương có 6.260 ha rau, hoa công nghệ cao; giá trị sản xuất bình quân trên một ha đạt 150 triệu đồng, tăng gấp đôi năm 2010; trong đó có những mô hình đạt đến một tỷ đồng mỗi năm.

Toàn huyện có bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai thị trấn phát triển theo hướng văn minh đô thị. Thời gian qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới tại Đơn Dương đạt hơn 4.300 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương.

Phó Thủ tướng đề nghị, địa phương tổng kết các bài học kinh nghiệm qua tổng kết tình hình KT-XH và chương trình nông thôn mới, để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực và các giải pháp để phát triển KT-XH nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng cần triển khai hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung những lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết giữa hộ nông dân với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp, để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu; quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu, địa phương quan tâm chỉ đạo toàn diện để nâng cao chất lượng bền vững của nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân; tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân chủ động tham gia, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Dịp này, tỉnh Lâm Đồng phát động phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020”.

Lâm Đồng đưa ra mục tiêu, đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới cấp tỉnh. Đây là mục tiêu ý nghĩa nhưng cũng đầy thách thức, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Đạt được mục tiêu nêu trên, Lâm Đồng sẽ góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu, đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

MAI VĂN BẢO