Chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN

Ngày 8/9/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Lễ công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN.

“Cơ chế một cửa quốc gia là một trong những công cụ chính của các cơ quan chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập, góp phần tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định.

 

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã thực hiện kết nối với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc dựa trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS kèm theo Cổng thanh toán điện tử đối với thuế áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu, lệ phí làm thủ tục hải quan. Tính đến ngày 27/8/2015, đã có 1.936 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia. 

 

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Túc, “lợi ích của việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia là tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vì hầu như toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp phải nộp được đơn giản hóa và điện tử hóa”. Theo công bố của Cục đăng kiểm Việt Nam – đơn vị bắt đầu kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia từ 25/5/2015,  với cơ chế một cửa này doanh nghiệp sẽ rút ngắn được 4/5 thời gian làm thủ tục. Còn theo ước tính của các Bộ, ngành, triển khai cơ chế một cửa quốc gia sẽ rút ngắn khoảng 15-30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí còn nhiều hơn nữa. 

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ thêm, “lợi ích lâu dài của cơ chế một cửa quốc gia rất rõ ràng đối với cả khối doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đối với doanh nghiệp, đây vừa là bước tập dượt, vừa là cơ hội chuyển đổi phương thức hoạt động sang môi trường điện tử, đào tạo nguồn lực sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, ở đó môi trường kinh doanh và hành chính chủ yếu là môi trường phi giấy tờ. Đối với khối cơ quan nhà nước, xây dựng được cơ sở dữ liệu về chứng từ hành chính điện tử để sẵn sàng trao đổi với các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội đơn giản hóa các hồ sơ, chứng từ áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu”.

 

Theo lịch trình, từ tháng 6 cho đến hết năm 2015, Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu kết nối Cơ chế một cửa quốc gia vào tháng 10/2015 trong lĩnh vực cấp phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.

 

Liên quan đến việc tham gia Cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam, từ 17/8 đến giữa tháng 9/2015, Việt Nam đã thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với cơ chế một cửa quốc gia của Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Nhận định về vai trò của cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam và cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Cơ chế này đóng vai trò quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy trao đổi thương mại và du lịch giữa các nước thành viên trong khu vực, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế và tiến tới sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015”.

 (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)