Bộ trưởng Y tế làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương ở TP HCM: Giãn khám ngoại trú, tập trung phát triển kỹ thuật cao

Định hướng trên được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị bệnh viện tuyến trung ương tại TPHCM lưu tâm thực hiện trong thời gian tới.

Sáng 7.7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược tại TP Hồ Chí Minh. 

Bộ trưởng và các thành viên đoàn công tác đã thăm các phòng chuyên môn, đặc biệt là khu vực phòng khám, thăm hỏi nhiều bệnh nhân-thân nhân đang chờ khám ngoại trú cũng như một số bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Lãnh đạo hai bệnh viện tuyến trung ương tại TPHCM đã báo cáo nhanh đến đoàn công tác những nỗ lực trong hoạt động khám và điều trị, giảm thời gian chờ, gia tăng buồng khám…

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiếp nhận trung bình gần 4.100 bệnh nhân/ngày, đã cố gắng giảm số giờ khám từ 385 phút/bệnh nhân xuống còn 222 phút/bệnh nhân.

Có được điều này, theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng với nhiều yếu tố mang tính cải thiện thủ tục, quy trình là sự gia tăng số buồng khám nhờ mở rộng hạ tầng xây dựng.

Tương tự, tại Bệnh viện Đại học Y dược, với số lượng bệnh nhân đăng ký khám lên đến 4.950 người/ngày, số bàn khám tăng từ 24 đến 68 bàn trong thời gian gần đây.

Một điều đáng lưu ý là bệnh nhân đăng ký khám tại hai bệnh viện tuyến trung ương nói trên có tỷ lệ trên 70% đến từ các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

Bộ trưởng Y tế đã ghi nhận những nỗ lực của hai bệnh viện trong thời gian qua nhằm gia tăng sự hài lòng của bệnh nhân, đồng thời đưa ra một số ý kiến chỉ đạo sau khi tham quan thực tế liên quan đến vấn đề này.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược nên giãn hoạt động khám ngoại trú để có đủ nguồn lực tập trung phát triển các kỹ thuật cao trong điều trị.

Để có thể giãn hoạt động khám ngoại trú trong thời gian tới, Bộ trưởng Y tế đề nghị hai bệnh viện tuyến trung ương gia tăng hoạt động lập bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL và Đông Nam bộ theo mô hình mới.

Với mô hình mới bao gồm hoạt động luân phiên cán bộ y tế giỏi, thiết lập hệ thống telemedicine (tư vấn-khám chữa bệnh từ xa) và video conference (thảo luận-chẩn đoán trực tuyến), sẽ gia tăng hiệu quả giảm tải của bệnh viện vệ tinh, lại không hao hụt quá nhiều nhân lực ở “bệnh viện mẹ”.

“Chúng tôi hỏi thăm thì được biết không ít bệnh nhân đang chờ khám ngoại trú bởi những bệnh mà tuyến dưới hoàn toàn khám-điều trị tốt. Nhưng với tâm lý của bệnh nhân là chỉ đặt niềm tin vào các bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương nên quá tải phòng khám là chuyện không khó hiểu”.

“Về lâu dài không thể xử lý vấn đề này bằng cách mở rộng phòng khám mãi được bởi bệnh viện tuyến trung ương phải tập trung phát triển các kỹ thuật cao trong điều trị. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là đưa thương hiệu, uy tín, bác sĩ giỏi từ các bệnh viện tuyến trung ương về các bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành lân cận theo mô hình hiện đại”.

“Có như vậy mới giải tỏa được tâm lý bệnh nhân, giúp bệnh nhân không tốn kém thời giờ, tiền bạc lặn lội xa xôi đến tận TPHCM khám-chữa bệnh, lại giúp các bệnh viện tuyến trung ương tránh được tình trạng quá tải khám bệnh ngoại trú như hiện nay” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.

Được biết, trong những ngày tới Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản chỉ đạo hoạt động luân phiên cán bộ y tế (bác sĩ giỏi) đến các bệnh viện vệ tinh theo tinh thần mỗi bác sĩ luân phiên làm việc 1-3 ngày.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và các thành viên đoàn công tác sẽ thăm và làm việc cùng Bệnh viện Thống Nhất. Tại TPHCM, hiện có 4 bệnh viện thuộc tuyến trung ương đóng trên địa bàn, gồm Chợ Rẫy, Thống Nhất, Răng Hàm Mặt Trung ương và Bệnh viện Đại học Y dược.

Nguồn: giadinh.net.vn