Hội thảo tăng cường hợp tác y tế Việt Nam-Nhật Bản

Ngày 26/8, trong khuôn khổ 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo hợp tác y tế Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Y tế Việt Nam, Medical Excellence Japan và Bộ Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản đồng tổ chức.

Tham dự hộ thảo có PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cùng các giáo sư, bác sỹ hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực ung thư và tim mạch.

Phát biểu tại hội thảo,Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, trong 40 năm qua, quan hệ hai nước đã không ngừng mở rộng và phát triển. Đến nay, Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam và hiện là một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các dự án của Nhật Bản rất toàn diện và bền vững, trong đó có đầu tư cho 3 bệnh viện đầu ngành gồm Bạch Mai, TW Huế, Chợ Rẫy. Nhật Bản đã hỗ trợ y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, khống chế SARS, cúm gia cầm, phòng xét nghiệm cấp độ 3 hiện đại nhất Đông Nam Á, chuyển giao công nghệ,…Thứ trưởng bày tỏ cảm ơn chân thành tới nhân dân Nhật Bản và hy vọng hợp tác y tế song phương ngày càng mở rộng.

Ông Noriyoshi Fukuoka, Bộ Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhận định “Y tế sẽ là lĩnh vực cốt lõi trong hợp tác giữa hai nước”: “Nhật Bản là đất nước phát triển và có rất nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế. Theo dự kiến, tháng 12 năm nay, cuộc họp thượng đỉnh cấp cao ASEAN-Nhật Bản sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, trong đó phát hiện sớm ung thư sẽ được bàn thảo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh này và sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó bao gồm hợp tác y tế trong phòng chống ung thư.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực y tế sẽ là nền tảng mới, bước tiến mới trong quan hệ hai nước, và là cốt lõi trong hợp tác giữa hai nước chúng ta. Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng và điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì thì số lượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và các giải pháp cho vấn đề này đang là nhu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Nhật Bản sẽ cung cấp và hỗ trợ phương pháp điều trị, sẵn sàng giới thiệu các công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản cho đất nước các bạn. Đây là cơ hội để mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi quyết định tổ chức Hội thảo này với sự tham gia trình bày của các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư và giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.” 

            Giáo sư Hidemi Goto, Đại học Nagoya: "Trường ĐH Nagoya và ĐH Y Dược Huế đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, trong đó có đón nhận các bạn Việt Nam sang đào tạo và thực tập tại ĐH Nagoya. Theo nhận định của tôi, các bạn Việt Nam rất là chăm chỉ và nhiệt tình. ĐH Nagoya cũng xây dựng trung tâm nghiên cứu tại trường ĐH Y Dược Huế, cử chuyên gia sang làm việc 1 tuần đồng thời mời các bác sỹ trẻ tới tác nghiệp tại trường. Theo tôi, trình độ chuyên môn của các bác sỹ điều trị ung thư tại Việt Nam tốt, chẳng hạn như tại các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Chợ Rẫy. Tuy nhiên, người dân Việt Nam cần có thói quen khám bệnh để sàng lọc ung thư sớm vì đa phần các ca tới bệnh viện đã chuyển sang giai đoạn muộn. Ở Nhật, nhờ khám và sàng lọc, phát hiện ung thư sớm nên tỷ lệ chữa khỏi rất cao. Trong thời gian tới, Việt Nam nên song song ngoài đầu tư nâng cấp các bệnh viện lớn còn cần đầu tư các bệnh viện tuyến tỉnh, nhân rộng số lượng bác sỹ và tăng cường cơ sở nhân lực để phát hiện sớm ung thư, nhờ đó, vừa tiết kiệm chi phí điều trị mà hiệu quả điều trị cao."

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn đã tiếp và làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản. Hai bên đã cùng nhau thảo luận và xúc tiến hợp tác y tế tại các lĩnh vực: tim mạch, ung thư, lão khoa và các bệnh không lây nhiễm.