Những dịch bệnh gây khiếp sợ toàn cầu 2015

Ebola và MERS-CoV là hai dịch bệnh bùng phát và lan rộng ở nhiều quốc gia gieo rắc nỗi khiếp sợ cho cả thế giới trong năm.

Đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2015, y học thế giới cũng gặp phải vô vàn thách thức trong việc kiểm soát và điều trị bệnh tật. Dưới đây là những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đáng lưu ý trong năm 2015.

Ebola

Bắt đầu từ tháng 3/2014 đến gần hết năm 2015, các ổ dịch Ebola xuất hiện ở Tây Phi và nhanh chóng bùng phát trở thành nguy hiểm nhất trong lịch sử căn bệnh này kể từ lần đầu được tìm ra năm 1976. Sau hơn 20 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 28.637 ca mắc bệnh từ 6 nước là Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Mỹ và Mali, trong đó 11.315 trường hợp tử vong. Theo BBC, số người chết do đại dịch này cao gấp 5 lần những đợt bùng phát khác cộng lại.

Đến nay, hầu hết các quốc gia đã ra khỏi vòng nguy hiểm. Bệnh nhân cuối cùng ở Guinea xuất viện ngày 28/11, quốc gia này sẽ được tuyên bố thoát dịch nếu không phát hiện ca mắc mới sau 42 ngày. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định không thể chủ quan bởi Ebola vẫn rất khó lường. Tháng 10 năm nay, virus Ebola hồi sinh trong cơ thể nữ y tá người Anh từng được chữa khỏi làm dấy lên lo ngại về khả năng tái phát bệnh. Liberia từng thông báo thoát dịch hai lần song đều bị tấn công trở lại và đang bước vào chu kỳ đếm ngược 42 ngày lần thứ ba.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm văcxin Ebola sau khi thu được kết quả khả quan tại Guinea và Sierra Leone.

MERS-CoV

MERS hay hội chứng hô hấp vùng Trung Đông là căn bệnh về hô hấp gây ra bởi một loại siêu vi coronavirus mới có tên coronavirus hội chứng hô hấp Trung Đông. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính từ lần đầu xuất hiện vào tháng 9/2012, MERS đã tấn công 26 quốc gia, khiến 1.621 người mắc bệnh và ít nhất 584 người tử vong.

MERS chưa có dấu hiệu dừng lại khi tháng 10, ca nhiễm bệnh cuối cùng ở Hàn Quốc bị tái phát sau tuyên bố hết dịch của chính phủ hồi tháng 8. Tháng 11, Các tiểu vương quốc Ả Rập phát hiện 2 trong 3 bệnh nhân MERS mới bị tử vong, nâng số người chết tại khu vực này lên 486.

Hiện MERS chưa có văcxin. Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng y học mới đạt "những bước đi hết sức nhỏ bé" trên con đường tìm ra phương thuốc chữa trị căn bệnh này.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus cấp tính do muỗi gây ra, có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong. WHO nhận định tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua với khoảng 50-100 triệu ca bệnh mỗi năm tại hơn 100 nước, đặt gần một nửa dân số thế giới vào nguy hiểm.

Năm nay, sốt xuất huyết phức tạp hơn do ảnh hưởng của El Nino. Tính từ tháng 1, Bộ Y tế Brazil ghi nhận 229 ca tử vong trên tổng số 746.000 trường hợp bị sốt xuất huyết. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bùng phát khiến 142.227 người mắc bệnh, 441 người chết ở Philippines và 107.079 người mắc bệnh, 293 người chết ở Malaysia.

Nhiều quốc gia giàu có cũng không thoát khỏi sốt xuất huyết. Tháng 11, Hawaii phát hiện 146 người nhiễm bệnh. Đây được coi là dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất nước Mỹ trong hơn 60 năm, kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Một tin vui là gần đây, Mexico đã phê duyệt văcxin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới có tên Dengvaxia. Dengvaxia được kỳ vọng sẽ đẩy lùi sự lây lan của sốt xuất huyết đồng thời tiết kiệm hàng chục triệu USD chi phí y tế.

HIV/AIDS

Trong thời gian qua, thế giới đã đạt được những kết quả đáng mừng trong việc chống lại HIV/AIDS. Từ năm 2000 đến 2015, số ca nhiễm HIV mới giảm 35% và tỷ lệ tử vong do AIDS hạ 24% với 7,8 triệu người được cứu sống. Năm nay, 16 triệu bệnh nhân HIV đã được điều trị bằng thuốc ARV và có cuộc sống khỏe mạnh. 

Tuy vậy, HIV tiếp tục là vấn đề toàn cầu khi vẫn còn 37 triệu người chung sống với virus và 21 triệu người chưa nhận được sự chăm sóc y tế. Đặc biệt, trong năm 2015, thế giới xảy ra nhiều vụ lây nhiễm HIV xuất phát từ sự vô ý thức, thiếu cẩn trọng của con người: 170 người nhiễm virus sau khi dùng chung kim tiêm ở Indiana (Mỹ) vào tháng 6, "bác sĩ" không bằng cấp tại Campuchia tái sử dụng kim tiêm bẩn khiến hàng trăm dân làng Roka mắc HIV hồi tháng 10, nam diễn viên Charlie Seen bị nghi lây HIV cho hàng chục bạn tình vì che giấu bệnh tật và quan hệ tình dục không an toàn.

>> Xem thêm: Những vụ lây nhiễm HIV chấn động thế giới

Lao

Vốn là một căn bệnh chữa khỏi được, lao vẫn trở thành mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe con người ngang HIV/AIDS. Năm 2014, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của 1,5 triệu người, chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) cảnh báo thế giới đang lao đao trong việc đối phó với các thể lao kháng thuốc. Cứ 100 ca nhiễm lao mới thì có 3 trường hợp không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và nếu không có hành động cụ thể, hàng loạt bệnh nhân lao kháng đa thuốc sẽ không có cơ hội được chẩn đoán và chữa trị.

Xem thêmNhững dịch bệnh tưởng biến mất vẫn đe dọa con người

Ngoài ra, WHO khuyến nghị nên đặc biệt thận trọng với thực phẩm độc hại. Mỗi năm, 600 triệu người trên thế giới gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến thức ăn kém vệ sinh, trong đó có 420.000 ca tử vong mà phần lớn là trẻ em. Nguy hiểm hơn, những bệnh này đều có xu hướng tăng về mức độ nghiêm trọng, ví dụ dịch liên cầu khuẩn nhóm B bùng phát ở Singapore cuối tháng 11 vốn chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu nay tấn công cả những người khỏe mạnh.

Minh Nguyên